Cảm ngộ Tây Du: Ma nạn - lò luyện đan vô hình

Cảm ngộ Tây Du: Ma nạn - lò luyện đan vô hình

Ma nạn của Đường Tăng ở Bình Đỉnh Sơn là do Quan Âm Bồ Tát tìm Thái Thượng Lão Quân ba lần, sau khi hai người thỏa thuận và cùng nhau đưa ra một phương án.

Hồi thứ 35 của Tây Du Ký, Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng hợp sức cùng nhau vượt qua kiếp nạn ở Bình Đỉnh Sơn. Khi chuẩn bị rời đi thì bị Thái Thượng Lão Quân ngăn cản, đòi trả lại năm bảo bối. Lúc này Ngộ Không mới biết, thì ra bảo bối và hai tiểu yêu kia, đều là từ nhà Lão Quân ra. Vốn bản tính trẻ con, anh Khỉ ngay lập tức kháng nghị, “Đại Thánh nói: Ngài làm quan lâu năm mới thực vô lễ. Ngài đã thả lỏng cho người trong nhà làm điều xằng bậy. Phải xử ngài vào tội cai quản không nghiêm. Lão Quân nói: Không can hệ gì đến ta, chớ có trách người. Việc này do Bồ tát ở ngoài biển, ba lần hỏi mượn ta, đưa chúng xuống đấy, để thử thách thầy trò các người xem có thực lòng sang phương Tây không"'.

(Ảnh: Public Domain). .

Trong “Tây Du Ký”, tác giả Ngô Thừa Ân dùng độ dài của 4 chương hồi, kể về ma nạn ở Bình Đỉnh Sơn. Ngộ Không bị đè dưới ba ngọn núi, lực đè lớn như thế, khiến cho người ta nhìn thấy thì đều kinh sợ. Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng đại chiến với bầy yêu, chỉ thấy giết đến trời đất mù mịt, quỷ thần kinh động; chiến đến âm thanh như sét đánh, chấn động cả núi sông.

Ngộ Không dốc hết tâm tư để cứu Đường Tăng, còn Bát Giới và Sa Tăng tiến vào động Liên Hoa, vô cùng khôn khéo lanh lợi thi triển pháp lực. Đến lúc cuối cùng hiểu rõ đáp án, thì ra lại là Bồ Tát diễn hóa, sự an bài sắp xếp này thực sự vô cùng xảo diệu.

Nhìn từ góc độ khác, Quan Âm Bồ Tát mượn của Lão Quân hai đồng tử trông giữ lò luyện đan, lại mượn thêm mấy món bảo bối, bình thản diễn hóa ra một môi trường – Động Liên Hoa núi Bình Đỉnh, làm “chiến trường” của cuộc đại chiến Chính Tà, tôi luyện toàn đoàn người đi thỉnh kinh.

Nhìn nhận từ góc độ hành văn sẽ không thể nhìn ra Bồ Tát biến hóa như thế nào. Chỉ biết là, sau khi Bồ Tát mượn đồng tử và bảo vật, liền có hết thảy mọi thứ trong động Liên Hoa cùng ba hòn núi lớn đè chặn Tôn Ngộ Không – núi Tu Di, Nga Mi và Thái Sơn.

Bản lĩnh trừ yêu của Ngộ Không là hạng nhất

Từ khi tiến vào địa giới của Bình Đỉnh Sơn, Ngộ Không vì muốn trừ bỏ đi tâm sợ hãi của Đường Tăng, bèn đi nghe ngóng tình hình chi tiết cụ thể có liên quan đến yêu quái. Nhật Trực Công Tào biết trước được nạn này ở Bình Đỉnh Sơn, đoàn thỉnh kinh sẽ đối mặt với đối thủ rất lợi hại, thế là hóa thành tiều phu, tiết lộ cho Ngộ Không một số tin tức.

Ngộ Không nhìn thấy tiều phu, bèn nói thẳng mình có thể phái Thần Núi, Thần Thổ Địa áp giải yêu quái đưa đến chỗ mình.

"Hành Giả đáp: Chẳng giấu gì ông anh, chúng tôi từ phương Đông sang phương Tây lấy kinh. Người ngồi trên mình ngựa kia là sư phụ tôi, tính hơi nhút nhát, vừa nghe anh nói là có yêu ma hung ác, bèn sai tôi đến hỏi anh xem ma quái ấy bao nhiêu tuổi rồi? Võ nghệ có khá không hay tầm thường? Phiền anh nói thực cho tôi biết, để tôi sẽ sai sơn thần, thổ địa giải nó đến. Tiều phu nghe nói, ngửa mặt lên trời cười ngất, nói: - Hóa ra anh là một hòa thượng ba hoa!"

"Hành Giả nói: Không ba hoa đâu, tôi nói thực đấy"

Ngộ Không hiểu biết sâu rộng, hộ tống Đường Tăng trên đường đi, đã gặp bao nhiêu Thần Tiên có bản sự rất lớn; trên đường hàng yêu trừ ma, cũng gặp không ít yêu quái bay trên trời, chạy trên mặt đất, bơi lội trong nước. Bởi vì trong lòng Ngộ Không không có sợ hãi, lời nói ra khỏi miệng liền rất khí thế.

Tiều phu biết được ma nạn này ở Bình Đỉnh Sơn, đoàn thỉnh kinh sẽ gặp phải đối thủ rất lợi hại, cho nên liền hỏi hắn: “Ngươi dám áp giải nó như thế nào? Giải đến nơi nào?” Câu trả lời của Ngộ Không đã hiện ra bản lĩnh trừ yêu, khiến cho người khác cảm thấy phấn kích.

*Ngộ Không nói: Nếu là ma trời, ta sẽ giải lên Ngọc Hoàng: là ma đất, ta sẽ giải xuống địa phủ. Ma phương Tây mang về cho Phật; ma phương Đông đưa về cho Thánh; ma phương Bắc giải cho Trấn Võ; ma phương Nam giải cho Hỏa Đức. Giao tinh giải cho chúa biển; quỷ sùng giải cho Diêm Vương. Con nào con nấy có nơi chốn cả. Lão Tôn quen biết khắp nơi, chỉ gửi một tờ trát, là đưa bọn chúng đi ngay lập tức như bay".

Ngộ Không không có nói dối, Hành Giả đúng là rất có tài giao tiếp và quan hệ rộng rãi, quen biết nhiều thần tiền, dưới sự giúp đỡ của họ có thể tra được xuất thân và lai lịch của yêu ma, có thể đem yêu ma làm loạn áp giải trở lại vị trí ban đầu của nó. Dù ở trên trời, dưới đất, trong biển cả, hay dưới âm gian, đều sẽ nghĩ được biện pháp giải quyết. Thực sự không giải quyết được, liền khẩn cầu chư Thần trợ giúp. Phạm vi trừ yêu của Ngộ Không bao phủ rất rộng, năng lực rất mạnh.

Thành tâm thỉnh kinh khiến Thần linh kính trọng

Lúc các thành viên đoàn thỉnh kinh hợp lực trừ yêu, biểu hiện cơ hồ đều rất chính diện, nhưng tại lúc sóng êm gió lặng, liền xuất hiện vấn đề. Bát Giới thích ăn lười làm, trong lòng thường thấy bất bình, thể hiện khôn vặt, trốn tránh khi gặp khó khăn, kết quả thường hay bị bắt, bị yêu quái trêu đùa; Đường Tăng dễ mềm lòng, không phân biệt được người tốt xấu, luôn dùng cách nghĩ không phải của người tu luyện để suy nghĩ vấn đề.

Mặc dù họ có rất nhiều chỗ thiếu sót, cũng không có nghĩa là họ không đạt. Tấm lòng thật sự muốn quy y cửa Phật của họ đã nhận được sự kính trọng của Thần Phật ở mọi nơi, cho nên Ngọc Đế Đạo gia đã vì họ mà phái Tứ Trực Công Tào (tức 4 vị Thần tướng thủ hộ là Trực Niên, Trực Nguyệt, Trực Nhật, Trực Thời), cùng với các Thần Linh bên Đạo gia ví dụ như Mão Nhật Tinh Quan cũng tương trợ giải nạn; chúng Thần Bồ Tát bên Phật gia, Ngũ Phương Yết Đế thì luôn chăm sóc cho họ.

Ban đầu, khi Ngộ Không ở trong lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân, trải qua một phen tôi luyện trong lửa, luyện thành đôi mắt Hỏa Nhãn Kim Tinh. Vì để trợ giúp thầy trò Đường Tăng loại bỏ tạp chất trong lòng, tu bổ chỗ còn thiếu sót, Bồ Tát diễn hóa trận ma nạn này, cũng giống như một cái lò luyện đan vô hình, dễ dàng dung hóa hết tạp chất trong tâm của họ vậy.

Ngoài ra, nhìn trận ma nạn này từ một góc độ khác: Mặc dù Ngộ Không có năng lực trừ yêu hạng nhất, thì Bồ Tát chỉ cần nhẹ nhàng diễn hóa một chút, Ngộ Không cũng sẽ vì thế mà ra ra vào vào, vất vả không thôi. Vì cứu Đường Tăng, Ngộ Không “làm nát sáu lá cả gan lẫn phổi, dùng hết ba cọng lông và quả tim bảy lỗ”. Tác giả Ngô Thừa Ân đã lấy năng lực trừ yêu của Ngộ Không, làm nổi bật lên Pháp lực cường đại của Bồ Tát.

Theo Epoch Times
Bình Nhi biên dịch