Câu chuyện chân thật về Shen Yun và Pháp Luân Công - Phỏng vấn Đại sư Lý Hồng Chí

Nhà sáng lập Pháp Luân Công chia sẻ về cách Ngài dẫn dắt mọi người tu luyện những ngày đầu ở Trung Quốc và vai trò của Ngài trong Shen Yun.
Hai thập kỷ trước, trên đỉnh của một dãy núi rừng nằm ở phía Bắc New York không có gì ngoài một căn nhà gỗ nhỏ và một giấc mơ lớn.
Hiện nay, nơi này được gọi là Chùa Long Tuyền, bao gồm một khuôn viên đại học và trụ sở của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun, một công ty múa cổ điển Trung Hoa biểu diễn cho hơn một triệu khán giả toàn cầu mỗi năm, với sứ mệnh tái hiện một “Trung Quốc trước thời chủ nghĩa cộng sản”.
Đằng sau những nỗ lực xây dựng một đoàn nghệ thuật biểu diễn ưu tú - điều mà giờ đây đã phát triển thành một đoàn thể văn hóa mạnh mẽ biểu diễn tại các địa điểm nổi tiếng nhất thế giới - chính là niềm tin của họ vào Pháp Luân Công.
Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện tâm linh đã từng phát triển rất phổ biến ở Trung Quốc đến mức chế độ này đã cố gắng xóa bỏ môn tu luyện này từ năm 1999. Để đáp lại, các học viên Pháp Luân Công đã không ngừng nỗ lực ngay tại Trung Quốc và cả nước ngoài để nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp, bao gồm thông qua các tổ chức phi lợi nhuận về văn hóa và tôn giáo như Shen Yun.
Hiện nay, Đại sư Lý thiết kế trang phục cho Shen Yun, viết lời nhạc, sáng tác nhạc và giám sát toàn bộ tầm nhìn nghệ thuật của chương trình, để giúp hồi sinh văn hóa truyền thống Trung Hoa 5.000 năm đã gần như bị thất truyền ở Trung Quốc. Shen Yun cũng mô tả sự tàn bạo hiện tại của chế độ cộng sản.
Vào cuối những năm 1990, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quay lưng lại với Pháp Luân Công thì Đại sư Lý đã trở thành đối tượng của các chiến dịch bôi nhọ rộng khắp Trung Quốc được dàn dựng để công chúng chống lại Ông và pháp môn phổ biến này. Tại Hoa Kỳ, nơi Ông và nhiều học viên Pháp Luân Công cư trú sau khi rời khỏi Trung Quốc, một số trò hề mà ĐCSTQ đã sử dụng để chống lại Đại sư Lý vào thời điểm đó - hiện nay lại đang xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Dẫn dắt câu chuyện là tờ The New York Times, trong những tháng gần đây đã xuất bản 9 bài báo chỉ trích Pháp Luân Công và Shen Yun. Một trong những bài báo gần đây nhất của tờ báo này tập trung vào khoản dự trữ tiền mặt 266 triệu đô la của Shen Yun và ngụ ý, mà không có bằng chứng, rằng nó có lợi cho Đại sư Lý.
Đại sư Lý cho biết Ông không tham gia vào hoạt động tài chính của Shen Yun và không nhận thù lao cho vai trò giám đốc nghệ thuật của Shen Yun.
Đại sư Lý nói trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi được tổ chức tại Chùa Long Tuyền với Đài phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope), một mạng phát thanh phi lợi nhuận bằng tiếng Trung: “Không ai phải trả tôi một đồng nào cả; tôi không nhận thù lao”.
Đại sư Lý cho biết trọng tâm của Ông là sự đề cao tâm tính của các học viên Pháp Luân Công, bao gồm cả những người đã thành lập công ty tại Hoa Kỳ như một phần trong nỗ lực phản đối cuộc đàn áp.

Các tổ chức này bao gồm các tờ báo như The Epoch Times, Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD News), Đài phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope), các trang web, công cụ vượt tường lửa internet và trường học.
Mặc dù những thành viên sáng lập của các công ty này là học viên Pháp Luân Công, nhưng Đại sư Lý cho biết rằng Ông không tham gia (vào việc quản trị), ngoài việc thúc đẩy các học viên đề cao tâm tính thông qua việc tu luyện tâm linh.
Đại sư Lý cho biết: “Tôi không can thiệp vào hoạt động, nhân sự và tài chính của họ, nên tôi không thực sự biết họ điều hành như thế nào”.
“Tôi phải để họ tự đi trên con đường của họ; đó là một phần của hành trình tu luyện của họ. Nếu tôi cứ can thiệp, thì cũng giống như phá hủy những cây cầu và con đường trên hành trình của họ. Vì vậy, tôi không quản lý bất kỳ điều gì trong số đó - tôi chỉ tập trung vào việc tu luyện của các học viên.”

Đại sư Lý tự hào về tinh thần cần kiệm. Đức tính này đã đưa Shen Yun đi xa kể từ những năm tháng khó khăn và chứng kiến công ty phát triển thành một công ty có ảnh hưởng toàn cầu. Những điều ít thấy hơn là danh sách dài các hóa đơn mà họ phải trả hàng ngày: Đào tạo tài năng, mua thiết bị sản xuất đắt tiền, may trang phục mới mỗi năm và trả lương. Chủ tịch công ty, ông Zhou Yu, cho biết: Những chi phí cao này là một trong những lý do khiến Shen Yun phải giữ lượng tiền mặt dự trữ.
Đại dịch COVID-19 đã dạy họ cách chuẩn bị tài chính trong trường hợp khẩn cấp; họ đã xoay xở để trụ vững qua đại dịch và giữ được toàn bộ nhân viên, mặc dù không hoạt động trong 1 năm rưỡi. Công ty khẳng định họ có "mọi ý định" làm như vậy nếu cần trong tương lai.
Các quỹ này cũng phục vụ một mục đích quan trọng khác: “Để chuẩn bị cho thời điểm Shen Yun có thể đến Trung Quốc khi đất nước có sự thay đổi”, ông Zhou nói. “Chúng tôi hiện đang chuẩn bị cho các buổi biểu diễn tại Trung Quốc bằng cách bồi dưỡng tài năng và để dành ngân quỹ”.
Trung Quốc vẫn thù địch với Shen Yun. Tuy nhiên, ước mơ của công ty là đưa nền văn hóa truyền thống Trung Hoa 5.000 năm trở về quê hương.

Sự khởi đầu
Vào năm 1992, khi Đại sư Lý đưa Pháp Luân Công ra công chúng, Trung Quốc đang trải qua một sự thay đổi lớn. Các lý tưởng cộng sản vô Thần của Đảng và hàng loạt các chiến dịch chính trị giết chóc, từ cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài một thập kỷ đến vụ thảm sát Thiên An Môn, đã làm rung chuyển tận gốc rễ người dân Trung Quốc.
Khí công, một hệ thống năng lượng cổ xưa kết hợp các tư thế cơ thể và chánh niệm, đã trỗi dậy để lấp đầy khoảng trống tâm linh trong một bộ phận dân số trong hàng nghìn năm qua - dựa trên đức tin của họ vào Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo.
Trong một hội thảo năm 1992 tại thành phố Trường Xuân, Đông bắc Trung Quốc, Đại sư Lý, khi đó mới 40 tuổi, đã khiến đông đảo người có mặt kinh ngạc khi giải thích các khái niệm tâm linh bằng những thuật ngữ thông thường mà ngay cả những người đam mê khí công nhiệt thành cũng phải bối rối. Chẳng mấy chốc, họ đã thuê địa điểm cho Ông, háo hức được nghe Ông giảng cao hơn và trong một bối cảnh trang trọng hơn.
Trong hai năm tiếp theo, Đại sư Lý đã tổ chức 54 buổi hội thảo trên khắp cả nước, trung bình mỗi buổi kéo dài 9 ngày. Ước tính có khoảng 60.000 người tham dự. Những người tham dự đó đã truyền lại pháp môn tu luyện này cho bạn bè và gia đình; bạn bè cùng gia đình họ cũng lại truyền pháp môn này xa hơn nữa; và pháp môn này đã nhanh chóng lan rộng khắp cả nước bằng cách người truyền người, tâm truyền tâm.

Chân-Thiện-Nhẫn là những nguyên lý chỉ đạo của Pháp Luân Công, cũng bao gồm một bộ các bài công pháp và thiền định. Các học viên được dạy cách áp dụng những pháp lý đơn giản này vào mọi khía cạnh cuộc sống để đề cao tâm tính của họ. Điều này được mô tả là sự tu luyện cá nhân.
Năm 1994, ông Jin Chengquan đã tham dự một trong những buổi giảng Pháp cuối cùng của Đại sư Lý tại tỉnh Cát Lâm quê hương Ngài.
Khi đó, ở tuổi 20, ông Jin nhớ lại đã bị ấn tượng bởi câu nói của Đại sư Lý rằng “vật chất và tinh thần là nhất tính”. Khi đó, ông ấy thấy rằng việc cải thiện bản thân từ bên trong có thể mang lại lợi ích về mặt thể chất.
Ông ấy nói với The Epoch Times: “Nó giống như mở ra cho tôi một thế giới khác”.
‘Ảnh hưởng của Ông ở Trung Quốc quá lớn’
Khiêm tốn, đúng giờ, kiên nhẫn: Đây là những từ mà một số người tham dự buổi giảng Pháp đầu tiên dùng để mô tả Đại sư Lý với tờ The Epoch Times.
Việc đi khắp Trung Quốc để giảng Pháp không phải là một cuộc sống xa hoa. Trợ lý tình nguyện lâu năm Mi Ruijing nhớ lại đã nhận thấy dấu hiệu mòn trên quần áo và giày dép của Đại sư Lý, và Ye Hao, một quan chức cảnh sát cấp cao đã nghỉ hưu của Trung Quốc từng đi cùng Đại sư Lý, cho biết Đại sư Lý tự giặt quần áo bằng tay và treo lên để phơi khô mỗi tối.
Ông cho biết bữa ăn của họ trong những chuyến đi đó thường là mì gói ăn kèm với loại xúc xích rẻ tiền nhất.
Các buổi giảng Pháp thường nhanh chóng hết vé và đôi khi các sân vận động phải mở thêm không gian để đáp ứng sức chứa.

Đại sư Lý chỉ tính một khoản phí vào cửa thấp, chỉ vài chục Nhân dân tệ, ít hơn 10 đô la cho học viên mới và một nửa giá cho những người tham dự lại, chỉ đủ để trang trải chi phí. Trọng tâm không phải là kiếm tiền mà là dạy cách tu luyện tâm tính cho một người. Những người tham dự đã ghi lòng tạc dạ điều đó, và văn hóa trong các bài giảng đã thay đổi nhanh chóng. Sau ngày đầu tiên, nhiều người đã ngừng tranh giành chỗ ngồi hàng đầu. Mọi người đã nhường chỗ tốt nhất cho những người mới đến lần đầu và trả lại đồ trang sức hoặc ví bị mất - đưa cho các nhân viên công tác để họ dùng loa tìm chủ sở hữu.
Sau cùng, loạt bài giảng Pháp đã được chép lại và xuất bản thành sách, trở thành tác phẩm chính của Pháp Luân Công, có tên là “Chuyển Pháp Luân”. Cuốn sách này đã lọt vào danh sách bán chạy nhất ở Bắc Kinh nhiều lần. Vào năm 1995, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã mời Đại sư Lý đến Paris để giảng Pháp ở nước ngoài lần đầu tiên. Và phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công bố những tác dụng chữa bệnh của Pháp Luân Công và cách các học viên đã nâng cao chuẩn tắc xã hội.
Vào cuối những năm 1990, theo ước tính chính thức, số lượng học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc vào khoảng từ 70 triệu đến 100 triệu người.

Các viên chức cấp cao của ĐCSTQ đã chú ý đến sự nổi tiếng đang gia tăng với sự lo lắng. Năm 1996, một giám đốc sở tại Hội đồng Nhà nước đã mời Đại sư Lý đi ăn tối cùng bà.
Đại sư Lý nói trong cuộc phỏng vấn: “Vào thời điểm đó, tôi thường được những người hy vọng được chữa lành bệnh mời đi ăn tối”.
“Sau khi chúng tôi ngồi xuống, viên chức đó đã thẳng thắn với tôi rằng, ‘Thầy Lý, ảnh hưởng của Thầy ở Trung Quốc đã trở nên quá lớn. Thầy cần phải rời khỏi đất nước”.
Vì biết rõ lịch sử của ĐCSTQ, Đại sư Lý hiểu được mối đe dọa ngầm và không thấy lựa chọn nào khác nếu Ông muốn giữ an toàn cho các học viên dưới chế độ vô Thần tàn bạo. Ông đã nộp đơn xin thị thực ưu tiên vì năng lực phi thường, và vào năm 1998 đã di cư sang Hoa Kỳ.

Trong vòng một năm, ĐCSTQ đã phát động chiến dịch toàn diện để đàn áp Pháp Luân Công, giam giữ các học viên trong các trại lao động, cơ sở tâm thần và nhà tù nhằm buộc họ phải từ bỏ đức tin của mình.
Cùng lúc đó, các đặc vụ Trung Quốc đã theo dõi Đại sư Lý ở Hoa Kỳ. Ông đã dành khoảng một năm trên đường và liên tục di chuyển để họ không thể tìm thấy Ông.
Cuối cùng, một số học viên Pháp Luân Công đã mua và hiến tặng một mảnh đất ở phía Bắc New York. Tại đó, một nhóm tình nguyện viên đã tỉ mỉ xây dựng Chùa Long Tuyền, một khu phức hợp được thiết kế theo phong cách kiến trúc của thời nhà Đường cổ đại của Trung Quốc và là trụ sở của Shen Yun. Dần dần, cộng đồng này phát triển và trở thành nơi ở cho những người chạy trốn khỏi sự tàn bạo của Trung Quốc. Những đứa trẻ mất cha mẹ vì bị tra tấn ở Trung Quốc đã trở thành một số nghệ sĩ biểu diễn đầu tiên của Shen Yun.
Ông Zhou nói: “Chúng tôi, những người tu luyện Pháp Luân Công, về cơ bản là những người tị nạn tại Hoa Kỳ”. Trong khi các nhóm nghệ thuật khác có thể phụ thuộc rất nhiều vào các khoản đóng góp của công ty hoặc tài trợ của chính phủ, Shen Yun đã phải tự lực cánh sinh.
Ông Zhou nói: “Các công ty lớn của Mỹ, vì sợ ĐCSTQ, cũng đã kiềm chế không tài trợ cho chúng tôi. Chúng tôi đang vượt qua những thách thức này thông qua nỗ lực của chính mình”.
Các quan chức Trung Quốc liên tục cố gắng ‘bịt miệng’ Pháp Luân Công và cản trở các buổi biểu diễn của Shen Yun trên toàn cầu, đe dọa và uy hiếp các nhà hát, nhà tài trợ, đại diện chính phủ và bất kỳ tổ chức nào khác làm việc với Shen Yun.

Lốp xe buýt lưu diễn của Shen Yun đã bị cắt, và công ty thường xuyên nhận được các lời đe dọa giết người, đe dọa đánh bom và đe dọa xả súng hàng loạt mà chính quyền Hoa Kỳ đã lần ra được từ Trung Quốc. Công ty ghi lại những sự cố này trên trang web của mình, trong mục có tên là “Những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt”.
Năm 2022, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa chiến dịch phá hoại này lên một tầm cao mới, chỉ thị cho những kẻ thực hiện rửa tiền thông tin sai lệch thông qua phương tiện truyền thông phương Tây và mạng xã hội, đồng thời thao túng hệ thống tư pháp Hoa Kỳ chống lại Pháp Luân Công. Chi tiết về cuộc họp bí mật năm 2022 lần đầu tiên được The Epoch Times đưa tin vào tháng 12 và được cung cấp bởi Yuan Hongbing, một học giả luật người Trung Quốc sống lưu vong tại Úc, người vẫn duy trì mối quan hệ trong giới chính trị cấp cao của Trung Quốc.
Bất chấp các cuộc tấn công và đàn áp đang diễn ra, Shen Yun cho biết họ vẫn cam kết thực hiện sứ mệnh của mình: "Giới thiệu vẻ đẹp, sự uy nghiêm và tâm linh của nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm".
Shen Yun đóng vai trò trong nỗ lực "lên tiếng kể chuyện của các nạn nhân" và cứu sống họ, công ty cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi trân trọng đất nước này và biết ơn vì sự tự do mà đất nước này mang lại".
Theo Eva Fu, Allen Zeng - The Epoch Times
Allen Zeng là tổng biên tập của Đài phát thanh Sound of Hope, một mạng phát thanh tiếng Trung, đồng thời là người dẫn chương trình trên YouTube và chuyên mục của The Epoch Times.
Minh Bảo biên dịch