Một câu nói của Vương Dương Minh, gần như có thể giải quyết mọi vấn đề của bạn

Khi bàn về tư tưởng của Vương Dương Minh, có tác giả đã nhắc đến một câu nói rất quan trọng: "Khi gặp vấn đề, nhất định phải trước tiên tự vấn lương tri: 'Lương tri của ta dẫn lối thế nào?'" Câu nói này thực chất là lời giải thích trực diện nhất cho tư tưởng "Bản tính ta tự đủ, không cần cầu bên ngoài" của Vương Dương Minh.
Theo Vương Dương Minh: Mọi vấn đề nan giải trên thế gian đều có thể giải quyết thông qua nội cầu (tìm kiếm bên trong).
- Khi thế giới bên ngoài không thể kiểm soát, nội cầu có thể giảm bớt cảm giác bất lực của chúng ta.
- Khi sự đời phức tạp rối ren, nội cầu có thể giúp chúng ta nhìn rõ phương hướng trái tim mình.
Chỉ cần không ngừng hướng nội tìm tòi, hướng nội trưởng thành, bạn sẽ phá tan mọi lo âu và bối rối.
1. Nội cầu: Lưỡi dao sắc bén phá tan mê muội
Đường đời xa xăm, mỗi người đều có những ngã rẽ lạc lối. Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, ai cũng sẽ có lúc cảm thấy vô cùng bối rối và mất phương hướng.
Có người cạn kiệt năng lượng vì công việc, có người phiền não vì gia đình, có người hoang mang vì không tìm thấy ý nghĩa cuộc đời...
Thế nhưng, những vấn đề tưởng chừng khó hiểu, khó nhìn thấu ấy, thực ra chỉ cần thông qua nội cầu là có thể dễ dàng giải quyết. Vương Dương Minh trước khi nội quan cũng từng mê muội, thất vọng, không biết phải đi đâu về đâu. Ông một lòng muốn trở thành bậc thánh hiền nhưng mãi không tìm thấy con đường nhập thánh. Vì lẽ đó, ông thường vùi đầu tìm tòi khắp nơi.
Để noi gương tiền hiền, ông một mình đến biên cương khảo sát, rèn luyện một thời gian dài nhưng chẳng thu hoạch được gì; Để thấu hiểu chân lý từ vạn vật, ông bắt đầu "cách vật", liên tục nhìn chằm chằm vào một cây tre suốt bảy ngày, cuối cùng còn lâm bệnh nặng.
Thế nhưng, dù làm thế nào, ông vẫn không thể phá giải sự mê muội, đạt đến cảnh giới khai ngộ. Sau khi nỗ lực tìm kiếm bên ngoài mà không có kết quả, Vương Dương Minh cuối cùng cũng bắt đầu an định lại, hướng vào bên trong để tự xem xét bản thân.
Sau một thời gian tự kiểm điểm, ông cuối cùng đã vén màn sương mù trước mắt, nhìn rõ con đường mình cần đi trong tương lai. Thế là, ông tích cực chuẩn bị cho kỳ thi khoa bảng, sau vài năm nỗ lực, ông đã thi đỗ, chính thức bước vào con đường làm quan.
Vì vậy, khi bạn cảm thấy mê muội, không tìm thấy phương hướng, hãy hướng vào bên trong để tìm kiếm.
Trong "Truyền Tập Lục", đệ tử Từ Ái cũng từng thỉnh giáo Vương Dương Minh: "Con làm việc luôn bỏ dở giữa chừng, trong lòng thường xuyên cảm thấy bồn chồn, mê muội phải làm sao?"
Vương Dương Minh đáp: "Điều này không trách con, thiên hạ hỗn loạn, mọi người tranh giành kỳ lạ, ồn ào. Còn những người tâm tính không vững vàng, luôn bị những thứ nhiễu loạn thị giác, che mắt, trong các chướng ngại mê muội cầu khai ngộ mà không được."
Thế sự phức tạp, biết bao người bị mắc kẹt trong đó, sống cả đời trong sự hỗn độn. Đặc biệt trong thời đại hiện nay, chúng ta luôn chịu sự quấy nhiễu của vật dục, khiến nội tâm trở nên mê muội bất định.
Nếu muốn thoát khỏi trạng thái cuộc sống này, nhất định phải không ngừng nội cầu, kiên định tâm tính của mình. Chỉ khi một người có thể nhận thức rõ ràng về bản thân, tìm thấy giá trị của chính mình, anh ta mới có thể bình tĩnh xem xét từng bước đi trong cuộc đời mình.
Những ngày sau đó, anh ta sẽ không còn như con ruồi không đầu, bị va đập tơi bời trong những thất bại của thế sự.
2. Nội cầu: khởi đầu của sự tỉnh thức nhận thức
Nhà tâm lý học Carl Jung nói: "Người nhìn ra ngoài, thì mộng du; người nhìn vào trong, thì tỉnh thức." Một người mà đôi mắt luôn nhìn chằm chằm ra thế giới bên ngoài, anh ta nhìn cái gì cũng thấy mơ hồ, trải qua cái gì cũng cảm thấy đau khổ.
Còn một người đã từng suy nghĩ sâu sắc về cuộc đời, mọi việc đều tự phản tỉnh, có thể bỏ qua mọi đau khổ, lạc quan đối mặt với mọi trải nghiệm. Bởi vì người sau đã sớm đạt được sự tỉnh thức nhận thức, đối với những trải nghiệm phong phú trong cuộc đời, họ đều có thể ứng phó một cách ung dung.
Sau khi Vương Dương Minh bước vào con đường làm quan, ông đã trải qua nhiều lần thăng trầm lớn. Ông từng được Minh Hiếu Tông trọng dụng trong triều, có lúc thăng lên đến Lễ Bộ Thị Lang.
Nhưng chẳng bao lâu sau, ông vì đắc tội với quyền thần Lưu Cẩn mà bị đánh đòn ở triều đình, bị giáng chức đày đến Long Trường, Quý Châu xa xôi. Sự chênh lệch lớn về hoàn cảnh này khiến ông đau khổ tột cùng.
Tuy nhiên, sau khi trải qua bao hiểm nguy để đến được Long Trường, ông lại phải đối mặt với môi trường vô cùng khắc nghiệt. Nơi đó bệnh dịch hoành hành, giống như một khu rừng nguyên sinh, ông thậm chí không có chỗ ở, chỉ có thể trú ngụ trong hang động.
Trong môi trường khó khăn như vậy, Vương Dương Minh từng rơi vào trạng thái tuyệt vọng hoàn toàn, thậm chí còn chọn cách uống thuốc độc tự tử. Cuối cùng, bên bờ vực sinh tử, ông đã trải qua một sự giác ngộ đột ngột về cuộc đời và thế giới.
Ông suy ngẫm về những trải nghiệm của mình trong nhiều năm qua, muốn hỏi sự công bằng của thế gian ở đâu, đạo ở đâu. Lời của Khổng Phu Tử chợt hiện lên trong tâm trí ông: "Đạo không xa người!" Tất cả những đạo lớn đều chỉ có thể thể hiện qua hành vi của con người.
Tiếp theo, Mạnh Tử lại nói: "Đạo học, cốt cầu bản tâm." Vương Dương Minh đột nhiên tỉnh ngộ, hóa ra đạo của thế gian nằm ở bản tâm.
Chỉ cần bản tâm đủ mạnh mẽ, thì dù phong ba bão táp trên thế gian có lớn đến mấy cũng không thể lay chuyển chúng ta mảy may. Đúng như Vương Dương Minh đã nói: "Tâm tức lý cũng, thiên hạ nào có việc ngoài tâm, lý ngoài tâm ư?"
Thế gian này vốn dĩ không có dòng sông nào không thể vượt qua, không có phong ba bão táp nào không thể chống đỡ. Nhiều khi, sở dĩ chúng ta không thể vượt qua là vì tâm bị mắc kẹt bởi một sự vật, một sự việc trước mắt, mất đi khả năng lạc quan vươn lên.
Thực ra, chỉ cần hướng vào bên trong để tìm kiếm, khó khăn sẽ không còn là khó khăn, mà chỉ là một trải nghiệm trên con đường đời mà thôi. Cùng với sự phong phú của những trải nghiệm, nhận thức, kinh nghiệm và tầm nhìn của chúng ta sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
3. Nội cầu: giải quyết mọi vấn đề của bạn
Tôi luôn rất đồng tình với một quan điểm: Tất cả những vấn đề khó khăn, câu trả lời đều nằm ở một cấp độ khác. Giống như trong cuộc sống thực, chúng ta thường xuyên gặp phải những hoàn cảnh "núi cùng nước tận".
Nhưng người đang ở trong đó, thực ra chỉ cần đứng ở một cấp độ cao hơn để nhìn, sẽ dễ dàng vượt qua những trở ngại này. Vậy làm thế nào để đạt được cấp độ cao hơn? Cách duy nhất chính là 'nội cầu.'
Như Vương Dương Minh từng nói: "Mỗi người đều có kim la bàn của riêng mình, cội nguồn vạn hóa đều ở trong tâm." Khi bạn có thể rèn luyện tâm tính khi gặp việc, tu dưỡng tâm hồn khi gặp người, mọi việc đều nội cầu, mọi vấn đề đều có thể được giải quyết dễ dàng.
Vương Dương Minh trong suốt cuộc đời đã gặp không ít những khó khăn và thử thách sinh tử. Năm 1519, Vương Dương Minh chỉ mất 43 ngày để dẹp loạn Ninh Vương. Đây vốn là một công lao hiển hách, nhưng những người trong triều vì ghen tỵ mà vu cáo ông thông đồng với phản thần.
Đối mặt với những lời vu khống và sỉ nhục như vậy, Vương Dương Minh không hề tranh đấu với những người đó, mà nhường lại toàn bộ công lao của mình, rồi từ quan về quê.
Ông nói: "Người cần phải tôi luyện trong sự việc, mới có thể đứng vững, mới có thể tĩnh cũng định, động cũng định." Ông coi tất cả những gì mình trải qua là sự tôi luyện, và trong quá trình tôi luyện ấy, ông an định nội tâm mình, nhờ đó ông có thể điềm tĩnh đối phó với mọi việc.
Ngay cả trong những chuyện sinh tử đại sự, Vương Dương Minh cũng không hề bồn chồn như người bình thường, mà vô cùng ung dung. Lúc đó, Vương Dương Minh mắc bệnh phổi nặng, cơ thể còn bị loét trên diện rộng.
Nhiều thầy thuốc khi thấy bệnh trạng của Vương Dương Minh đều lộ vẻ sợ hãi, không dám điều trị. Sau này, bệnh tình đến mức thuốc thang không còn tác dụng, Vương Dương Minh lại nhìn thấu sinh tử, ngược lại vẫn mang bệnh dạy học, truyền thụ tư tưởng và học thức của mình.
Những người thực sự sống thấu đáo trên thế gian này, chưa bao giờ gửi gắm vui buồn hờn giận của mình vào bất kỳ thứ gì bên ngoài. Trong mắt họ, mọi vấn đề đều là vấn đề của tâm, đều phải tìm nguyên nhân từ tâm. Tâm nếu đủ mạnh mẽ, thế gian sẽ không còn điều gì đáng sợ, không còn người nào đáng ghét.
Và chúng ta cũng nên tự nhủ: Bão tố bên ngoài có lẽ là không thể tránh khỏi, nhưng tất cả chúng ta đều có thể trở thành người quan sát bất động ở trung tâm cơn bão. Bình thản nhìn nhận mọi việc, thay đổi cách ứng phó của nội tâm, cuộc sống tự nhiên sẽ từ tối tăm chuyển sang tươi sáng.
▽
Năm 1529, Vương Dương Minh cảm thấy mình không còn sống được bao lâu nữa, ông nói với đệ tử Chu Tích: "Ta sắp đi rồi." Đệ tử nghe xong lệ rơi như mưa, bèn hỏi: "Thưa thầy, thầy có lời trăn trối gì không?"
Vương Dương Minh chỉ nói tám chữ: "Thử tâm quang minh, diệc phục hà ngôn." (Lòng này sáng tỏ, còn lời gì để nói nữa.) Nội tâm của ông, đã thông qua việc không ngừng nội cầu, đạt đến cảnh giới quang minh. Vì vậy, ông có thể phớt lờ sự quấy nhiễu từ bên ngoài, ngay cả sinh tử cũng nhìn thấu rất rõ.
Đối với chúng ta, khi gặp chuyện phiền lòng, cũng nên thử nội quan tu tâm nhiều hơn.
Khi bạn thông qua tự kiểm điểm, không ngừng tu luyện và điều chỉnh tâm tính của mình, bạn cũng sẽ xoa dịu được mọi bất an và lo lắng khi gặp chuyện, ung dung giải quyết mọi vấn đề.
Theo Aboluowang
Minh Nguyệt