Rượu không bảo vệ người hiền, sắc không bảo vệ bệnh tật, tài không bảo vệ người thân, khí không bảo vệ tính mạng

Rượu không bảo vệ người hiền, sắc không bảo vệ bệnh tật, tài không bảo vệ người thân, khí không bảo vệ tính mạng
Rượu không bảo vệ người hiền, sắc không bảo vệ bệnh tật, tài không bảo vệ người thân, khí không bảo vệ tính mạng. (Ảnh: Public Domain)

Trong dân gian có một câu tục ngữ: "Người tham bốn thứ, cả đời uổng phí", bốn thứ đó chính là rượu, sắc, tài và khí. Bởi vì "rượu không bảo vệ người hiền, sắc không bảo vệ bệnh tật, tài không bảo vệ người thân, khí không bảo vệ tính mạng".

Bốn câu tục ngữ khuyên đời kinh điển này đã nói rõ về nhân sinh, nếu có thể hiểu thấu được ý nghĩa sâu xa của nó, hẳn sẽ hiểu được, đây là bốn điều răn của người xưa, cũng là lời gan ruột của người xưa.

Rượu không bảo vệ người hiền

Tục ngữ có câu: "Rượu là thuốc độc xuyên ruột", chỉ cần nghe tên thôi cũng hiểu, rượu tuy là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng ai cũng hiểu đạo lý uống rượu hại thân.

Một người nếu không thể kiểm soát được hành vi của mình, mỗi lần uống rượu đều say khướt thì rất dễ khiến người khác chán ghét.

Rượu không bảo vệ người hiền, ý nói người có phẩm chất cao thượng, nếu uống rượu quá chén thì rất dễ làm ra những chuyện khó tin.

Tuy rằng theo góc độ Trung y, uống rượu vừa phải có thể giúp tuần hoàn máu huyết, còn có thể phòng ngừa xơ vữa động mạch. Nhưng nếu không biết điểm dừng thì sẽ dẫn đến hành vi cá nhân không thể kiểm soát được.

Sắc không bảo vệ bệnh tật

Người xưa có câu: "Sắc là dao cạo xương", cả nam và nữ đều có bản tính háo sắc, đặc biệt là đối với nam giới, nếu quá háo sắc thì rất dễ dẫn đến tổn hại nguyên khí, từ đó gây ra một số bệnh tật, thậm chí còn xuất hiện các vấn đề như tinh thần uể oải. Điều này sẽ ảnh hưởng đến công việc và học tập, lâu dần cơ thể sẽ hoàn toàn suy sụp.

Người ta thường nói "chữ sắc trên đầu có một con dao", thực chất ý nghĩa bên trong là nếu quá độ trong chuyện ấy thì chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Cái gọi là "nước đầy thì tràn, trăng tròn thì khuyết", nếu khi còn trẻ không biết kiểm soát dục vọng thì khi về già chỉ có thể hối hận không kịp.

Tiền tài không bảo vệ được người thân

Có rất nhiều cách giải thích về câu tục ngữ này. Một trong số đó là nếu có quan hệ tiền bạc với người thân, thì rất dễ ảnh hưởng đến tình cảm giữa hai bên.

Người xưa có câu: "Thân thích không chung tài sản, chung tài sản thì đoạn tuyệt quan hệ", nói trắng ra là tốt nhất là không nên nói chuyện tiền bạc với người thân, theo cách nói thịnh hành hiện nay, chính là đừng nói chuyện tiền bạc làm tổn thương tình cảm.

Trong cuộc sống hiện thực, dù là người thân hay bạn bè, đều rất dễ trở mặt thành thù vì quan hệ lợi ích; cũng có một số con cái bất hiếu, vì tranh giành nhà cửa và tài sản của cha mẹ mà đánh nhau.

Hiện nay trên mạng có rất nhiều tin tức về phương diện này, nếu mọi người có thể ngộ thấu đạo lý của câu tục ngữ này, thì sẽ không có quan hệ tiền bạc với người thân.

Giận dữ không bảo vệ được tính mạng

Tục ngữ có câu: "Giận là mầm mống gây họa", bởi vì khi một người tức giận, tốc độ lưu thông máu tăng nhanh, hormone tuyến thượng thận cũng tăng nhanh chóng, dẫn đến dễ bị kích động.

Tính khí và bản tính của mỗi người khác nhau, vì vậy mức độ chịu đựng của mỗi người đối với một hành vi hoặc một sự việc nào đó cũng có hạn. Một khi khí huyết dồn lên tim, không thể kiểm soát được cảm xúc, sẽ biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn, làm ra những việc không lý trí.

Trong cuộc sống có rất nhiều chuyện nhỏ nhặt như lông gà vỏ tỏi, chỉ vì bốc đồng mà đánh nhau, gây thương tích, thậm chí có thể dẫn đến tội giết người, những trường hợp như vậy không phải là hiếm, nhưng trên đời lại không có thuốc hối hận để bán.

Người xưa có câu: "Nhẫn một câu, tắt một giận, tha một nước cờ, lùi một bước." Nếu mọi người đều hiểu được đạo lý này, e rằng sẽ ít đi những tranh chấp và mâu thuẫn.

Tức giận sẽ gây ra đại họa, còn dẫn đến cơ thể mắc bệnh, đúng như câu nói "khí hỏa công tâm, khí đại thương can", người có gan không tốt thường là tính khí cũng không tốt.

Kết luận

Văn hóa tục ngữ rất uyên thâm và sâu rộng, trải qua thời gian dài, thấm nhuần vào mọi mặt của cuộc sống, chẳng hạn như cách đối nhân xử thế, kiến thức thường thức về cuộc sống, nhân sinh cảm ngộ, vân vân. Những của cải tinh thần mà tổ tiên để lại vẫn khiến chúng ta nhận được nhiều lợi ích.

Thường có câu: "Người trước trồng cây, người sau hưởng bóng mát", tục ngữ đều là tổng kết và tích lũy kinh nghiệm sống của thế hệ người xưa, lưu truyền đến nay, giúp chúng ta ít mắc phải sai lầm hơn trên đường đời, bước ra một cuộc sống rực rỡ hơn.

Theo Secretchina
Minh Nguyệt

Đọc tiếp