Thánh tăng ban đêm vướng sông Thông Thiên, Ngộ Không và Bát Giới lại biến thành bé trai và bé gái

Trong hồi trước, Hành Giả tới Xa Trì Quốc hàng yêu diệt quái và tiếp tục hành trình tới Tây phương. Bốn thầy trò lên đường, ngày đi đêm nghỉ, khát uống, đói ăn, thấm thoắt xuân hết hè tàn, tiết thu đã đến.
Một hôm, trời đã sẩm tối. Đường Tăng dừng cương ngựa, hỏi: "Đồ đệ ơi, đêm nay ngủ trọ ở đâu nhỉ?"
Hành Giả đáp: "Thưa sư phụ, người xuất gia không nên nói lời của người tại gia như thế."
Tam Tạng hỏi lại: "Thế nào là người tại gia? Người xuất gia?"
Hành Giả thưa: "Người tại gia lúc này là giường êm đệm ấm, trong lòng ủ con, bên lưng quàng vợ, ung dung khoan khoái đánh giấc ngon lành. Còn chúng ta là những người xuất gia đâu có được như thế! Mà là dầm sương dãi nắng, ăn gió nằm mưa, có đường thì đi, không đường thì nghỉ".
Mấy thầy trò chẳng biết làm thế nào, đành nghe theo Hành Giả tiếp tục tiến bước.
Thánh tăng bị nước sông Thông Thiên ngăn lối
Khi đến sông Thông Thiên và tới Trần Gia Trang, thầy trò Đường Tăng đã đi được năm vạn bốn ngàn dặm, trải qua bảy, tám năm, đúng nửa chặng đường thỉnh kinh. Nước sông Thông Thiên rộng lớn, “rộng tám trăm dặm, từ xưa rất ít người dám qua lại”. Một con cá vàng thành tinh làm yêu quái đã chiếm đoạt phủ đệ của lão bạch quy, tác oai tác quái tại nơi này. Nó còn lập miếu thờ “Linh Cảm Đại Vương” và bắt ép dân làng mỗi năm phải hiến tế đồng nam đồng nữ để nó ăn thịt. Linh Cảm Đại Vương vốn là con cá vàng sống trong ao sen của Quán Thế Âm Bồ Tát, hàng ngày nhô đầu nghe kinh tu thành. Chiếc trùy đồng chín ngạnh kia, là một cành hoa sen chưa nở được nó tu luyện thành binh khí, rồi chẳng biết hôm nào, theo thủy triều dâng lên trốn đến sông Thông Thiên tác oai tác quái.
Hai anh em ông lão Trần Trừng và Trần Thanh, chủ nhà nơi thầy trò Đường Tăng tá túc, đúng năm nay phải dâng hai đứa con của mình để làm vật tế. Tam Tạng nghe xong, không nén được hai hàng lệ nhỏ, nói:
- Thật đúng như người xưa nói:
“Lá vàng còn ở trên cây,
Lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời!”
Trong hành trình đi thỉnh kinh, Đường Tăng gặp rất nhiều yêu tinh ma quái đa phần đều muốn ăn thịt ông, con cá vàng tinh này cũng không ngoại lệ. Khi nó chuẩn bị ăn thịt đồng nam đồng nữ do Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới hóa thành, thì bị Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới đánh cho phải quay trở về sông. Nó lại nghĩ ra một kế, bèn làm phép khiến sông Thông Thiên nổi gió lạnh, tuyết rơi dày, đóng thành băng, hòng khiến Đường Tăng nóng lòng qua sông mà đi lên mặt sông rơi vào bẫy. Hai ông lão họ Trần hết lời khuyên giữ ở lại, mượn cớ là thưởng thức cảnh vật tự nhiên yên tĩnh ở nơi đây, ngụ ý để nhắc nhở và điểm hóa thầy trò họ chớ lo lắng hấp tấp, không nên nóng vội. Nhưng Đường Tăng tâm tính cố chấp không nghe lời khuyên, khăng khăng tự mình vượt sông.
Ngay khi nước sông Thông Thiên vừa đóng băng để người có thể đi qua, có thể thấy trên mặt băng có không ít người qua lại. Đường Tăng thắc mắc, liền hỏi, lão Trần đáp: “Bờ bên kia là Tây Lương Nữ Quốc. Những người qua lại này đều là thương nhân buôn bán. Hàng hóa ở bờ bên này chỉ đáng giá trăm đồng, nhưng sang bên kia lại có giá vạn đồng; bên kia giá trăm đồng, sang bên này lại đáng giá vạn đồng. Lợi nhuận quá lớn, nên họ bất chấp nguy hiểm mà liều mình vượt sông. Mỗi năm, có gia đình đi thuyền năm sáu người, thậm chí mười mấy người một thuyền mà qua sông. Nay thấy sông đóng băng, họ càng không ngại nguy hiểm mà đi bộ qua”.
Đường Tăng thở dài: “Chuyện thế gian, duy có danh và lợi là quan trọng nhất. Họ vì lợi mà quên sống chết, còn ta vâng mệnh thiên tử lấy kinh để tận trung, cũng chỉ vì danh tiếng. Há chẳng khác họ là bao!”. Danh và lợi mà con người thế gian chấp trước, là tử quan của người tu luyện, ai cũng phải vượt qua. Giống như trận bão tuyết giá rét mà Đường Tăng gặp phải lần này, cũng phải trải qua một khảo nghiệm nghiêm khắc. Nhưng không thể nóng vội, cần chậm mà chắc. Tâm tính thực sự có thể tĩnh xuống, trầm ổn, như tên của hai ông lão: Trừng Thanh (“澄 – trừng”: có nghĩa là trong, trong vắt; “清 – thanh” có nghĩa trong suốt, tĩnh lặng), tức là trạng thái tâm lý và cảnh giới chân thực mà người tu hành cần đạt đến. Kỳ thực, “Thông Thiên Hà” có nghĩa là con sông có thể thông lên trời, phản bổn quy chân, quay trở về tầng thứ tồn tại tiên thiên của mình. Kết quả mắc bẫy, bị cá vàng bắt nhốt vào chiếc hộp đá, khiến sinh mệnh gần kề cái chết.
Lại nói chuyện yêu quái từ lúc quay về thủy phủ, dẫn bọn yêu tinh đợi dưới đáy băng. Đợi khá lâu, bỗng nghe thấy tiếng vó ngựa, yêu quái bèn trổ phép thần thông, khiến cho mặt băng tan ra ầm ầm. Đại Thánh sợ quá, nhảy vọt lên không trung. Con ngựa bạch và ba người giây lát chìm nghỉm xuống đáy.
Lần này, vẫn là Tôn Ngộ Không tìm đến Quan Âm Bồ Tát, dùng giỏ cá thu phục cá vàng tinh “Hành Giả chẳng biết làm thế nào, đành đứng đợi. Được một lát, thấy Bồ Tát tay xách chiếc làn trúc từ trong rừng bước ra nói: - Ngộ Không, ta với nhà ngươi đi ngay để cứu Đường Tăng. Hành Giả vội vàng quỳ xuống, nói: - Đệ tử đâu dám giục giã. Xin mời Bồ Tát hãy mặc áo lên tòa. Bồ Tát nói: - Không cần, cứ thế này đi luôn.
…
Bồ Tát bèn cởi một sợi tơ thắt áo buộc chặt vào chiếc làn, đoạn cầm lấy sợi tơ, đứng trên đám mây ngũ sắc thả xuống dòng sông, cho chiếc làn dừng lại chỗ thượng lưu, miệng niệm thần chú một bài tụng: Chết trôi đi, sống ở lại! Chết trôi đi, sống ở lại. Niệm đúng bảy lần, Bồ Tát nhấc chiếc làn lên thấy trong làn có một con cá vàng vẩy sáng lấp lánh, mắt vẫn nhấp nháy, đuôi vẫn ngoe nguẩy.
..
Bồ Tát nói:
- Nó vốn là con cá vàng được nuôi lớn trong ao sen của ta, hàng ngày nhô đầu nghe kinh tu thành thủ đoạn. Chiếc trùy đồng chín ngạnh kia, là một cành hoa sen chưa nở được nó tu luyện thành binh khí, rồi chẳng biết hôm nào, theo thủy triều dâng lên bơi đến nơi này. Sáng nay ta tựa lan can thưởng hoa, không thấy nó nhô đầu lên lạy. Ta bèn bấm tay bắt độn biết hắn đã thành tinh ở đây, hãm hại sư phụ các ngươi. Bởi vậy ta chẳng kịp điểm trang, vận thần công đan chiếc làn này bắt nó”. Điều đó một lần nữa khẳng định: trên con đường tu luyện, tín Sư tín Pháp là điều vô cùng quan trọng.
Tại sao lão rùa già ở sông Thông Thiên tu hành 1300 năm không thể tu thành hình người?
Lại nói chuyện con rùa già ở sông Thông Thiên, thấy Linh Cảm Đại Vương đã bị thu phục thì mới dám xuất đầu lộ diện. Nó tình nguyện chở thầy trò Tam Tạng qua sông. Trước khi từ biệt, nó có nhờ đám người thỉnh kinh khi diện kiến Phật tổ thì hỏi giúp xem vì sao nó đã tu luyện suốt 1300 năm mà không trút được vỏ cũ để thành hình người.
Lão rùa già ở sông Thông Thiên chủ động đưa thầy trò Đường Tăng qua sông, những 800 dặm, nếu như ngồi thuyền cũng phải mất mấy ngày, thế nên điều này hoàn toàn có thể ghi công của Lão Nguyên. Nhưng tại sao một yêu tinh rùa tốt bụng như vậy đã tu hành 1.300 năm nhưng vẫn chưa thể tu thành hình người được?
Có lẽ việc xấu nhất mà Lão Nguyên đã làm đó chính là khi chở thầy trò Đường Tăng quay lại giữa đường đã hất họ xuống nước. Nhưng điều đó cũng không thể hoàn toàn trách nó, bởi ban đầu Đường Tăng đã hứa với nó khi tới Tây Thiên gặp được Như Lai sẽ hỏi giúp nó khi nào có thể tu hành được thành hình người, vậy mà Đường Tăng lại quên luôn chuyện này. Lão Nguyên đã nổi nóng, giữa đường hất họ xuống sông.
Trùng hợp cú hất này của Lão Nguyên lại là kiếp nạn thứ 81 của thầy trò Đường Tăng. Không lẽ Quan Âm thực sự vì thiếu một kiếp nạn mới để thầy trò Đường Tăng bị rơi xuống sông sao?
Quan Âm đã cố ý thêm vào, mục đích không phải là để thử Đường Tăng mà là thử Lão Nguyên. Nếu không thì trên đường đi lấy kinh có nhiều sông như vậy, tại sao Quan Âm Bồ Tát lại chọn sông Thông Thiên? Lựa chọn sông Thông Thiên chính là muốn độ cho Lão Nguyên - lão rùa già đã tu hành 1.300 năm này, cũng coi như là bồi thường cho việc năm xưa thú cưng Cá Vàng của mình đã làm hại người khác.
Nhưng Lão Nguyên đã không trải qua được thử thách ở sông Thông Thiên, đã hất thầy trò Đường Tăng xuống, điều này cho thấy việc tu hành của nó đã thiếu một chút gì đó, khiến nó không thể bước qua được ngưỡng cửa này. Bề ngoài là Lão Nguyên chở Đường Tăng qua sông, nhưng thực ra là Đường Tăng đã giúp nó, hay nói cách khác Lão Nguyên giúp đỡ Đường Tăng, cũng chính là giúp đỡ mình. Phật Pháp có câu: Nhất niệm siêu sinh, độ nhân tự độ. Đáng tiếc là Lão Nguyên không giúp thầy trò Đường Tăng qua sông lần nữa, cũng không thể tự giúp mình tu thành chính quả, vẫn chỉ là con rùa già 1300 tuổi.
Theo Soundofhope
Bình Nhi