Tranh luận: "Nam nữ thụ thụ bất thân", chú nên làm gì nếu chị dâu bị đuối nước?

Tranh luận: "Nam nữ thụ thụ bất thân", chú nên làm gì nếu chị dâu bị đuối nước?
Đại thần nước Tề là Thuần Vu Khôn và bậc hiền giả nước Trâu là Mạnh Tử tranh biện về "nam nữ thụ thụ bất thân". (Ảnh: Public Domain)

Trong các bộ phim cổ trang hiện đại, người ta thường nghe thấy một câu nói "nam nữ thụ thụ bất thân". Thực ra, câu nói này xuất phát từ một cuộc tranh luận. Hai bên tranh luận là đại thần nước Tề - Thuần Vu Khôn và hiền giả nước Trâu - Mạnh Tử.

Thuần Vu Khôn, là một người rất xuất sắc vào thời Chiến Quốc, là một đại thần có tiếng của nước Tề. Ông giỏi về từ lệnh, ngôn ngữ khôi hài, dí dỏm. Những thành ngữ mà chúng ta thường nghe như "chén đĩa ngổn ngang", "vui quá hóa buồn", "một tiếng kêu kinh người"... đều liên quan đến ông.

Thuần Vu Khôn học rộng nhớ lâu, giỏi biện luận, thường đại diện cho nước Tề đi sứ các nước. Trong các dịp ngoại giao, ông không làm nhục mệnh nước, cũng chưa từng khiến bản thân phải chịu khuất nhục.

Mạnh Tử, trong lịch sử Trung Quốc, là người đầu tiên đưa ra quan điểm "nhân chi sơ, tính bản thiện". Ông cho rằng, bản tính con người hướng thiện, giống như nước chảy xuống chỗ trũng, là một sự thật không thể tranh cãi. Chủ trương của ông có ảnh hưởng cực kỳ lớn đến hậu thế. Tam Tự Kinh lưu truyền sau thời Tống, câu đầu tiên chính là "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Thuyết tính thiện sau này đã trở thành quan niệm chính thống của Nho gia.

Chân dung Mạnh Tử (Ảnh: Trích từ album "Tượng bán thân các bậc đại hiền triết" thời nhà Nguyên, do Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan)

Hai nhân vật tư tưởng lỗi lạc của thời đại này, một người ở trong triều đình, nắm giữ thực quyền, dùng lời lẽ trí tuệ để phò tá quốc quân; một người noi theo Khổng Tử, chu du các nước, tuyên dương đức trị, nhân chính và vương đạo.

Có một lần, Thuần Vu Khôn hỏi Mạnh Tử: "Nam nữ thụ thụ bất thân, đó là lễ tiết sao?" Mạnh Tử khẳng định trả lời: "Đương nhiên là lễ rồi."

Thuần Vu Khôn phản bác lại: "Nếu chị dâu bị đuối nước, là em chồng có nên đưa tay ra kéo chị ấy lên không?"

Mạnh Tử nói: "Chị dâu bị rơi xuống nước, em chồng không kéo chị ấy cứu, chẳng khác gì loài chó sói." Tiếp theo có câu nói kinh điển này: "Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dã; tẩu nịch, viện chi dĩ thủ giả, quyền dã." - Nam nữ thụ thụ bất thân, là lễ; chị dâu chết đuối, đưa tay ra cứu, là quyền.

Trong hoàn cảnh thông thường, nam nữ có sự khác biệt. Để phòng tránh hai giới tính ngoài vợ chồng có quá nhiều giao tiếp, giữa nam và nữ không thể tiếp xúc trực tiếp, bất kể nói chuyện hay nhận đồ vật, để tránh nam nữ vượt quá giới hạn, làm loạn danh tiết của nhau, gây ra những việc trái với luân thường đạo đức.

Trong Lễ ký, yêu cầu về sự khác biệt giữa nam và nữ rất cụ thể: "Nam nữ bất tạp tọa, bất đồng di gia, bất đồng cân trĩ, bất thân thụ." - Nam nữ không ngồi lẫn lộn, không dùng chung giá áo, không dùng chung khăn lược, không tiếp xúc thân mật. Trong một gia đình, anh em hoặc chị em sau bảy tuổi, con trai và con gái không thể ngủ chung, không thể ăn chung, nam nữ không thể ngồi lẫn lộn, không thể sử dụng chung một giá treo quần áo, đồ dùng rửa mặt. Giữa nam nữ trưởng thành, việc đưa và nhận đồ vật không được có tiếp xúc cơ thể thân mật.

Khi liên quan đến đại sự quan trọng đến tính mạng con người, chẳng hạn như chị dâu bị đuối nước như trong cuộc tranh luận, người thân gặp nguy hiểm, em chồng nên đưa tay ra cứu; đây là sự thông quyền đạt biến, hai điều này không mâu thuẫn.

Thế là Thuần Vu Khôn tiếp tục hỏi: "Hiện nay cả thiên hạ đều bị chìm trong nước rồi, tiên sinh không đưa tay ra cứu, là vì sao?"

Mạnh Tử nói: "Cả thiên hạ bị chìm trong nước, phải dùng 'đạo' để cứu; chị dâu bị chìm trong nước, đưa tay ra kéo là được - chẳng lẽ ông muốn tay không cứu cả thiên hạ sao?"

Kết luận của cuộc tranh biện này là, thế gian vạn sự đều phải nói đến sự thông đạt biến thông, không có gì là tuyệt đối. Làm việc gì cũng có nặng nhẹ, khẩn cấp, tình huống cụ thể, phải đối đãi cụ thể, quá câu nệ khuôn phép sẽ hại đến tính mạng con người.

Theo Soundofhope
Minh Nguyệt

Đọc tiếp